Từ đầu thế kỷ 20, sau khi Thomas Edisson phát minh ra bóng đèn, con người dần dần khai thác sức mạnh của dòng điện vào những lĩnh vực khác nhau. Trong đó để tiêu diệt muỗi, loài côn trùng là tác nhân gây ra nhiều mầm bệnh cho con người nhất, những chiếc đèn bắt muỗi đã ra đời. Cho đến ngày nay thiết bị phổ biến mà mọi người thường hay sử dụng để tiêu diệt chúng là vợt muỗi và đèn bắt muỗi.
Chiếc đèn bắt muỗi đầu tiên
Trong ấn bản tháng 10 năm 1911, tạp chí Popular Mechanics đã từng trưng bày mô hình một chiếc máy “bẫy ruồi” sử dụng đèn điện và lưới điện để bắt côn trùng. Thiết kế này được phát minh bởi hai doanh nhân không tên đến từ thành phố Denver, Hoa Kỳ. Tuy nhiên giá của nó quá cao so với thời bấy giờ nên không được công chúng tiếp nhận và sản xuất.
Chiếc đèn bắt muỗi được cấp bằng sáng chế đầu tiên được phát minh bởi William F. Folmer và Harrison L. Chapin vào năm 1934. Mặc dù đã có nhiều cải tiến trong khâu hút muỗi và chế độ an toàn, nhưng thiết kế cơ bản vẫn được giữ nguyên. Cấu tạo của nó cực kỳ đơn giản, gồm:
- Thân máy: Vỏ máy được làm từ nhựa hoặc kim loại cách điện, giống một chiếc đèn lồng. Bên trong máy được lắp đặt một lớp lưới bảo vệ để ngăn ngừa trẻ em và thú nuôi chạm vào thiết bị điện.
- Bóng đèn: Thiết bị được lắp chiếc bóng đèn huỳnh quang để thu hút côn trùng, thường là neon hoặc ánh sáng tím…
- Lưới điện: Được làm từ thép bao quanh bóng đèn và điện hóa để tiêu diệt côn trùng. Một số thiết bị sử dụng quạt để thay thế lưới điện bắt côn trùng.
- Biến áp: Thiết bị được lắp một cục biến áp, tạo ra dòng điện có điện áp từ 120V đến 2.000V trở lên.
- Nhiều chiếc đèn bắt côn trùng còn được trang bị một khay nhựa cho phép thu thập bụi bẩn hoặc xác côn trùng rơi xuống.

Nguyên lý hoạt động
Những chiếc đèn này hoạt động với cơ chế thu hút bọ bằng ánh sáng, để chúng thâm nhập vào không gian giữa các lưới điện và thành mạch điện. Dòng điện cao áp chảy qua sẽ tiêu diệt chúng. Thiết bị không được thiết kế để phân biệt các loại côn trùng với nhau, nhưng nó có xu hướng giết những loài côn trùng bị thu hút bởi ánh sáng tím. Và muỗi là một trong những sinh vật bị chiếc đèn bắt côn trùng hấp dẫn.
Công nghệ cải tiến
Ngày nay với sự phát triển của khoa học – kỹ thuật hiện đại, các nhà sản xuất đã bổ sung thêm những công nghệ mới cho đèn bắt muỗi côn trùng. Với sự ra đời của công nghệ LED (Light Emitting Diode), thiết bị được cài đặt nhiều bóng đèn tiết kiệm năng lượng hơn. Ngoài ra một vài chiếc máy còn sử dụng pin sạc để năng lượng hoạt động thêm hiệu quả. Một số mẫu thiết kế hiện nay còn kết hợp với việc sử dụng năng lượng mặt trời để thay thế, giúp giảm gánh nặng chi phí điện phát sinh hàng tháng cho các hộ gia đình.

Tính di động
Những mô hình đầu tiên của chiếc máy bắt côn trùng chưa được tính toán đến tính di động. Nhưng một lần nữa công nghệ hiện đại ngày nay đã góp phần tạo nên những thiết bị tiện lợi, linh hoạt. Một công cụ cầm tay, có thiết kế giống một chiếc vợt tennis, hoặc một chiếc vỉ đập ruồi, nhưng sử dụng điện để tiêu diệt côn trùng, đặc biệt là muỗi. Thiết bị này được gọi là vợt muỗi, rất được người sử dụng ưa dùng và lựa chọn. Một vài chiếc đèn bắt muỗi còn hoạt động thay thế cho chiếc đèn ngủ ban đêm. Và bạn có thể lắp đặt chiếc đèn này ở bất cứ đâu, hoặc bất kỳ căn phòng nào trong nhà, miễn là có ổ cắm điện để cung cấp nguồn năng lượng cho nó hoạt động.